Đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam vẫn còn rất sơ sài.

Đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam vẫn còn rất sơ sài.

Trong khi kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước đã được điều chỉnh hoạt động bằng hệ thống văn bản pháp lý khá hoàn chỉnh, từ luật đến nghị định, hệ thống chuẩn mực kế toán và thông tư hướng dẫn, thì đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán nội bộ (KTNB) ở Việt Nam vẫn còn rất sơ sài.

Thực ra, từ thời điểm những năm 1997, 1998, Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng bộ máy KTNB trong các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Với việc ban hành Quyết định số 832/TC – QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997; Thông tư số 52/1998/TT-BTC ngày 14/6/1998 và Thông tư số 171/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998, Bộ Tài chính đã bước đầu tạo ra một hành lang pháp lý cho hệ thống KTNB trong các DN nhà nước.

Cụ thể, Thông tư số 171/1998/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện KTNB tại DN nhà nước đã quy định: “KTNB là công việc thường xuyên của DN, do DN tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo độ tin cậy của các số liệu kế toán và các thông tin trong báo cáo tài chính của DN…

Tùy thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh, địa bàn hoạt động tập trung hay phân tán, điều kiện cụ thế và trình độ năng lực của đội ngũ kế toán…, DN có thể lựa chọn bộ máy KTNB cho phù hợp và có hiệu quả thiết thực. Bộ máy KTNB chịu sự chỉ đạo trực tiếp của tổng giám đốc (giám đốc DN)”.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình KTNB trong các DN nhà nước đã sớm “phá sản” bởi các DN nhà nước phản ánh, nếu thực hiện đúng quy định, biên chế sẽ tăng lên rất nhiều (!).

Đây là nguyên nhân khiến đến tận hôm nay, hầu hết các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chưa thành lập được bộ phận KTNB, hoặc nếu có thì cũng “gộp” KTNB vào ban kế toán tài chính.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước – lực lượng được coi là “đầu tàu” của nền kinh tế còn như vậy, nên thật dễ hiểu khi quy định về KTNB vẫn khá xa lạ với hầu hết DNNY.

Thừa nhận hiện đang có “khoảng trống pháp lý” về KTNB trong công ty niêm yết, một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán cho biết, Luật DN năm 2005 và Quy chế quản trị công ty niêm yết do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành, 2 văn bản điều chỉnh hoạt động của DNNY không có quy định bắt buộc phải thành lập bộ phận KTNB trong loại hình DN này.

Riêng với hệ thống ngân hàng, do mức độ nhạy cảm của hoạt động tín dụng trong nền kinh tế, nên gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm đến việc thiết lập hệ thống KTNB, với việc ban hành Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và KTNB của hệ thống tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thêm một văn bản nữa đề cập tới vấn đề KTNB, là Luật kiểm toán độc lập năm 2011 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012).

Nhằm hỗ trợ cho kiểm toán độc lập hoạt động hiệu quả, Điều 57 của Luật này quy định về trách nhiệm của đơn vị có lợi ích công chúng như sau: “1. Xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp và có hiệu quả.

Tổ chức KTNB theo quy định của pháp luật để bảo vệ an toàn tài sản; đánh giá chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính, việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và quy định của đơn vị”.

Tuy nhiên, từng đó quy định là chưa đủ để các DNNY có được nhận thức đúng đắn về KTNB, chưa nói tới việc thực hiện xây dựng, vận hành tổ chức này một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Theo ông Phan Lê Thành Long,

Phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán Mekong NAG, xuất phát từ việc khuôn khổ pháp lý không quy định, nên hiện nay, chưa có DNNY nào có uỷ ban kiểm toán đúng nghĩa, mà nếu có thì bộ phận KTNB lại thuộc ban kiểm soát chứ không phải chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc.

Bộ phận KTNB hiện cũng mới chỉ có tại một vài DN lớn, còn lại hầu hết các DNNY đều xa lạ với khái niệm trên. Đây là một trong những lý do khiến UBCK đang dự thảo thông tư về Quản trị công ty (corporate governance) dự kiến có những yêu cầu về vấn đề này.

Đối với mỗi DN, vai trò cụ thể của KTNB là đánh giá rủi ro gian lận, điều tra ban đầu hoặc điều tra toàn diện các trường hợp nghi ngờ có gian lận, khuyến nghị cải tiến các biện pháp kiểm soát gian lận, theo dõi đường dây nóng tố giác/báo cáo gian lận và tiến hành các buổi đào tạo về đạo đức trong DN.

Bởi vậy, KTNB được coi là tuyến phòng thủ hàng đầu nhằm chống gian lận trong nội bộ DN. Mong rằng các quy định pháp lý về KTNB cần sớm được Nhà nước ban hành như một yêu cầu bắt buộc đối với DNNY nhằm góp phần minh bạch tình hình tài chính DN, hạn chế những “góc khuất” vốn tồn tại không ít trong công tác tài chính tại các DNNY hiện nay.

 

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *